Thomas Borgen của ngân hàng Danske Bank

Giám đốc điều hành (CEO) Thomas Borgen của ngân hàng Danske Bank ngày 19/9 đã tuyên bố từ chức vì một vụ bê bối rửa tiền bị nghi liên quan đến số tiền lên tới 200 tỷ Euro, tương đương 234 tỷ USD, thông qua chi nhánh ở Estonia trong thời gian từ 2007-2015.
ceo ngan hang chau au tu chuc do be boi rua tien quy mo 234 ty usd

Ông Thomas Borgen, Giám đốc điều hành (CEO) vừa từ chức của ngân hàng Danske Bank - Ảnh: Reuters.

"Rõ ràng Danske Bank đã không thể thực hiện đúng nghĩa vụ trong vụ rửa tiền bị tình nghi ở Estonia. Tôi vô cùng hối tiếc vì điều này", hãng tin Reuters dẫn lời ông Borgen trong một tuyên bố.

Một báo cáo về vụ bê bối rửa tiền đã được Danske đưa ra, sau những lời kêu gọi của Liên minh châu Âu (EU) về thành lập một cơ quan giám sát mới thuộc khối này chuyên nhiệm vụ chống tội phạm tài chính. Thời gian gần đây, một loạt bê bối rửa tiền tại các ngân hàng châu Âu đã bị phanh phui.

Trong tháng 9 này, ngân hàng ING của Hà Lan đã thừa nhận rằng đã để lọt hoạt động rửa tiền của giới tội phạm qua các tài khoản tại ngân hàng này. ING đã nhất trí nộp phạt 775 triệu Euro, tương đương 900 triệu USD, để giải quyết vụ việc với nhà chức trách.

Giá trị vốn hóa thị trường của Danske Bank đã "bốc hơi" 1/3 trong vòng 6 tháng qua, chủ yếu do lo ngại về khả năng nhà chức trách Mỹ sẽ tiến hành điều tra và đưa ra hình phạt đối với nhà băng Đan Mạch này.

Danske Bank nói rằng cuộc điều tra nội bộ cho thấy CEO Borgen, Chủ tịch Ole Andersen và Hội đồng Quản trị "không vi phạm các nghĩa vụ pháp lý của họ đối với Danske Bank".

Danske Bank cho biết không thể đưa ra một con số chính xác về các giao dịch bị tình nghi thông qua chi nhánh ở Estonia. Tuy nhiên, nhà băng này nói rằng chi nhánh Estonia có nhiều khách hàng nước ngoài từ Nga, Azerbaijan, Ukraine, và một số nước Liên Xô cũ khác.

Theo báo cáo, Danske Bank đã không có hành động thích hợp vào năm 2007, khi bị nhà chức trách Estonia phê bình và nhận được thông tin từ đối tác Đan Mạch cho rằng đã xảy ra "hoạt động tội phạm, bao gồm rửa tiền" ước tính có trị giá hàng tỷ Rúp mỗi tháng.

Khi vấn đề bị phát hiện tại chi nhánh Estonia vào đầu năm 2014, Danske Bank vẫn không tiến hành điều tra đầy đủ và không báo cáo sự việc với Hội đồng Quản trị - báo cáo cho hay.

Sau đó, Danske Bank đã có biện pháp chấn chỉnh lại chi nhánh ở Estonia, nhưng các biện pháp đó là chưa đủ.

Danske Bank cũng cho biết đã quyết định không tích hợp các hoạt động của mình ở vùng Baltic và nền tảng IT chung của toàn hệ thống vì việc này quá tốn kém. Vì lý do này, chi nhánh ở Estonia không tuân thủ các thủ tục chống rửa tiền của Danske Bank.

Năm nay, cơ quan chức năng của Mỹ đã cáo buộc ngân hàng ABLV của Latvia dung túng hoạt động rửa tiền. ABLV đã bị Mỹ trừng phạt bằng cách cắt nguồn cung cấp vốn bằng USD, dẫn tới việc ngân hàng này sụp đổ.

Danske Bank chưa có giấy phép hoạt động ngân hàng tại Mỹ. Tuy nhiên, nếu Mỹ cấm các ngân hàng nước này giao dịch với Danske Bank, thì điều đó cũng đồng nghĩa với việc ngân hàng này bị "cấm cửa" khỏi hệ thống tài chính toàn cầu.

Cổ phiếu Danske Bank có lúc giảm 5% trong phiên giao dịch ngày thứ Tư, sau khi báo cáo về bê bối rửa tiền được công bố. Ngân hàng này cũng hạ dự báo lợi nhuận ròng của năm nay về mức 16-17 tỷ Crown Đan Mạch, từ mức dự báo 18-20 tỷ Crown trước đó.

Nhận xét