Khi ô nhiễm "bủa vây" nông thôn

Khảo sát tại nhiều con suối, kênh, rạch ở vùng nông thôn trong tỉnh cho thấy, phần lớn đều bị nước thải chăn nuôi, rác thải trong sinh hoạt và sản xuất gây ô nhiễm nặng đến mức không thể dùng để tưới cho cây trồng khu vực xung quanh. Nhiều người dân sống gần suối ngao ngán gọi là "suối chết" vì nước lúc nào cũng đen đặc bốc mùi hôi.
Phó chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Ngọc Tuấn (bìa trái) đi thực tế kiểm tra tình hình ô nhiễm tại suối Reo, xã Gia Tân 1 (huyện Thống Nhất). Rác sinh hoạt bị bỏ ra cả ven đường gây ô nhiễm tại xã Cẩm Đường huyện Long Thành.
Phó chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Ngọc Tuấn (bìa trái) đi thực tế kiểm tra tình hình ô nhiễm tại suối Reo, xã Gia Tân 1 (huyện Thống Nhất). Rác sinh hoạt bị bỏ ra cả ven đường gây ô nhiễm tại xã Cẩm Đường huyện Long Thành.
Hiện Đồng Nai có tổng đàn heo lớn nhất cả nước với 2,24 triệu con nên lượng chất thải từ chăn nuôi khá lớn và đang là gánh nặng cho môi trường dù tỉnh cũng tìm nhiều cách xử lý.
* Nước suối không thể... Tưới rau
Bà Lê Thị Phương (xã Gia Tân 1, huyện Thống Nhất) nói: "Trước đây, tôi thường lấy nước từ suối tưới cho rau trong vườn, nhưng từ khi chăn nuôi phát triển, chất thải đổ ra suối nhiều khiến nước đen đặc không dám lấy tưới cho rau nữa. Ngoài việc bị ô nhiễm nặng thì mùi hôi phân heo luôn bốc lên nồng nặc rất khó chịu". Tình trạng ô nhiễm chăn nuôi không chỉ ở Thống Nhất mà còn ở nhiều địa phương như: Trảng Bom, Xuân Lộc, Cẩm Mỹ, Vĩnh Cửu...
Theo Chi cục Bảo vệ môi trường, những trang trại chăn nuôi có đánh giá tác động môi trường do tỉnh quản lý đều được siết chặt việc bảo vệ môi trường. Những cơ sở vi phạm bị xử phạt hành chính đến 300-400 triệu đồng/lần và nếu không khắc phục sẽ bị đình chỉ hoạt động. Hiện Đồng Nai yêu cầu các địa phương rà soát lại 2.500 trang trại chăn nuôi heo do huyện đánh giá tác động môi trường để có biện pháp quản lý chặt không cho xả thải gây ô nhiễm.
Do phản ảnh của nhiều người dân, đầu tháng 5-2018, Phó chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Ngọc Tuấn đã đi kiểm tra tình hình ô nhiễm tại suối Reo, xã Gia Tân 1. Đây là con suối chảy qua 5 xã rồi đổ vào hồ Trị An và nước thải chăn nuôi xả ra suối gây ô nhiễm nhiều năm. Ông Tuấn yêu cầu huyện Thống Nhất và những nơi có chăn nuôi phát triển phải rà soát lại các trại chăn nuôi nhỏ lẻ do huyện quản lý, xử lý nghiêm những trường hợp xả thải gây ô nhiễm. Vì Đồng Nai ở thượng nguồn sông Đồng Nai nên việc bảo vệ môi trường nguồn nước sông đặt lên hàng đầu.
Tuy nhiên, thực tế không dễ xử lý tình trạng ô nhiễm này. Ông Đặng Minh Đức, Giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường cho biết: "Từ đầu năm đến nay, Sở đã tiến hành kiểm tra đối với 37 cơ sở chăn nuôi lớn có đánh giá tác động môi trường do tỉnh quản lý tính đến cuối năm 2017 chưa hoàn thành xây dựng hệ thống xử lý nước thải. Kết quả còn hơn 10 cơ sở chưa xây dựng hệ thống xử lý nước thải. Sở đã đề xuất xử lý nghiêm theo quy định hiện hành". Cũng theo ông Đức, ô nhiễm chăn nuôi đang là vấn đề khá bức xúc và tỉnh đang tập trung xử lý. Tuy nhiên, Sở cũng chỉ "nắm người có tóc" - tức những trang trại chăn nuôi lớn có giấy phép, còn đối với các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ thì việc xả thải gây ô nhiễm vẫn rất khó kiểm soát.
Tại những vùng có chăn nuôi heo phát triển thuộc địa bàn các huyện Xuân Lộc, Cẩm Mỹ, Thống Nhất, Trảng Bom...phần lớn người dân đều phản ảnh tình trạng ô nhiễm không khí, nước sông, suối. Khảo sát tại những khu vực trên, hầu hết nước suối đều bị ô nhiễm nặng do chất thải từ chăn nuôi heo. "Năm trước, vùng này khốn khổ vì suối bị nước thải nuôi heo từ các trang trại đổ ra. Do hiếm nước ngầm nên người dân phải dùng nước suối tắm, sinh hoạt nên bà con rất bức xúc. Hiện tình trạng ô nhiễm đã giảm nhưng vẫn còn làm ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của nhiều bà con" - ông Ngô Văn Cho (ấp 2, xã Xuân Hòa, huyện Xuân Lộc) nói.
* Quăng rác bừa bãi
Hiện nay, tình trạng xả rác bừa bãi ở vùng nông thôn vẫn còn khá nhiều, gây mất mỹ quan và ô nhiễm. Vào mùa mưa, rác sinh hoạt, rác thải trong sản xuất nông nghiệp đổ xuống sông, suối làm ách tắc dòng chảy gây ngập lụt cục bộ.
Bà Trần Thị Lan (xã Cẩm Đường, huyện Long Thành) cho biết: "Tuy định kỳ có người đi thu rác sinh hoạt nhưng vẫn có những người dân mang rác ra vứt ở ven các đường lớn, bãi đất trống hoặc sông, suối. Khi mưa lớn, rác theo nước trôi ra đường rất bẩn và chảy đầy các suối". Sau những cơn mưa lớn, nhiều con suối, kênh rạch, mương thoát nước đầy rác không còn là chuyện lạ. Có những gia đình sống gần suối khi mưa lớn phải ra vớt rác nếu không rác cản dòng chảy làm nước dâng lên gây ngập khu vực lân cận.
"Vào những ngày mưa lớn rác trôi đầy lòng suối qua những khúc thắt không thoát được dềnh lên gây ngập, gia đình tôi phải ra vớt rác lên"- bà Nguyễn Thị Thu (ấp Độc Lập, xã Giang Điền, huyện Trảng Bom) bày tỏ. Tại các khu vực nông thôn hiện đều có xe thu rác 1-3 ngày/lần và số tiền phải nộp cho thu gom, xử lý rác chỉ trên 20 ngàn đồng/hộ, song có những người dân vẫn giữ thói quen mang rác quăng ra ven đường, ven suối gây ảnh hưởng lớn đến môi trường vùng nông thôn.
Bên cạnh đó, nhiều bãi trung chuyển rác tại các địa phương còn để lộ thiên nên khi xe rác chưa kịp đến thu gom, mùi hôi phát tán mạnh khiến người dân khá bức xúc.

Nhận xét