Giá gạo trắng 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam đạt 450 USD/tấn - Ảnh: VGP/Đỗ Hương
Xuất khẩu gạo của Việt Nam trong tháng 6/2018 ước đạt 604.000 tấn, giá trị đạt 317 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu gạo 6 tháng đầu năm 2018 ước đạt 3,56 triệu tấn, giá trị đạt 1,81 tỷ USD, tăng 25% về khối lượng và tăng 42% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017.
Phân tích từ Bộ NN&PTNT cho thấy hiện nay trên thị trường thế giới, giá gạo tại Thái Lan giảm xuống mức thấp nhất trong năm nay do nhu cầu ảm đạm và triển vọng nguồn cung dồi dào, trong khi giá gạo Ấn Độ giảm do sức mua kém từ châu Phi và Bangladesh. Thị trường đường thế giới đến cuối tháng 6/2018 có xu hướng giảm bởi áp lực tiền tệ và nguồn cung toàn cầu dồi dào. Giá hạt tiêu Ấn Độ giảm do nguồn cung lớn trong khi nhu cầu yếu. Trong khi đó, giá cà phê tăng do sức mua trên sàn kỳ hạn có sự khởi sắc.
Nguồn bảng báo giá gạo sỉ
Số liệu cập nhật trong 5 tháng đầu năm 2018 cho thấy Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam với 30% thị phần (đạt 844.000 tấn và 499,4 triệu USD), đứng thứ 2 là Indonesia với 18,7% thị phần (đạt 596.000 tấn và 280 triệu USD). Trong 5 tháng đầu năm xuất khẩu sang Trung Quốc giảm 21,3% (đạt 844.000 tấn). Các thị trường có mức xuất khẩu tăng là Indonesia 596.000 tấn, Iraq 150.000 tấn, Malaysia với 273.000 tấn (gấp 2,51 lần), và Hoa Kỳ với 26.200 tấn (gấp 2,36 lần) so với cùng kỳ năm 2017.
Trong tháng 6/2018, giá gạo xuất khẩu của các nước lớn đều giảm. Tuy nhiên, giá gạo trắng 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam đạt 450 USD/tấn, vẫn cao hơn so với sản phẩm cùng loại của Ấn Độ và Thái Lan. Giá gạo xuất khẩu cùng loại của Ấn Độ đạt 410 USD/tấn và của Thái Lan đạt 435 USD/tấn. Giá gạo xuất khẩu các nước xuất khẩu lớn đều giảm so với tháng trước do nhu cầu nhập khẩu từ các thị trường chính như Indonesia, Philippines, châu Phi, Bangladesh đều giảm.
Thông tin từ Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cũng cho hay, từ nay đến cuối năm, ngành còn thu hoạch thêm 3 vụ lúa. Nếu điều kiện thời tiết không bất thường, có khả năng lúa đạt 23,3 triệu tấn, nâng sản lượng lúa cả năm lên 43,9 triệu tấn, tăng ít nhất 1,2 triệu tấn so với năm 2017. Sản xuất cây công nghiệp tiếp tục phát triển, các cây ăn quả có thị trường và giá trị cao tăng mạnh. Xuất khẩu các mặt hàng chè, cà phê, cao su, tiêu, điều có khả năng đạt trên 5,5 tỷ USD, rau quả đạt từ 4,5-4,7 tỷ USD.
Theo ông Nguyễn Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Trồng trọt, ngành tiếp tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sản phẩm phù hợp với lợi thế và nhu cầu thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Đồng thời, chuyển đổi diện tích lúa kém hiệu quả sang các cây trồng khác có thị trường và hiệu quả hơn như cây ăn quả, các loại rau, hoa theo hướng công nghệ cao và sang nuôi trồng thủy sản, các sản phẩm phù hợp nhu cầu thị trường, nâng cao hiệu quả và ổn định sản xuất.
Đặc biệt, ngành sẽ tăng cường sử dụng giống tốt, giống chất lượng cao phù hợp với vùng sinh thái kết hợp với các quy trình thâm canh tốt, ứng dụng khoa học công nghệ, áp dụng cơ giới hóa để giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng, tăng nhanh giá trị và khả năng cạnh tranh của từng sản phẩm.
Nhận xét
Đăng nhận xét