Ông Vũ 'nhôm' làm giàu như thế nào?

Theo kết luận Thanh tra Chính phủ TTCP từng công bố, doanh nghiệp của ông Phan Văn Anh Vũ (Vũ nhôm) đã trúng đậm sau phi vụ chuyển nhượng đất đai mang lợi nhuận gần 500 tỉ đồng. Nhà đầu tư đã “trúng đậm” trong khi ngân sách Nhà nước bị thất thoát.
Ông Phan Văn Anh Vũ

Được biết, ông Phan Văn Anh Vũ hiện là người đại diện pháp luật của Công ty Cổ phần Xây dựng Bắc Nam 79 (đường Lê Hồng Phong, quận Hải Châu, TP.Đà Nẵng). Ngoài ra, ông Vũ còn sở hữu 80% cổ phần ở Công ty TNHH Phú Gia Compound. Ông từng ứng cử vào thành viên HĐQT của DongA Bank, nơi ông sở hữu 10% cổ phần. Ngoài ra, ông này còn là Chủ tịch Hội đồng thành viên The Sunrise Bay Đà Nẵng, đồng thời sở hữu cổ phần trong nhiều dự án khác.


Theo kết luận TTCP năm 2013 đã chỉ ra khu đất phía nam cuối đường Phạm Văn Đồng, năm 2006 UBND TP Đà Nẵng chuyển nhượng cho ông Hoàng Hải và bà Trung Thị Lâm Ngọc với tổng giá trị hợp đồng là 84 tỉ đồng.

Tới năm 2008, ông Hải và bà Ngọc không triển khai thực hiện dự án, đã ủy quyền cho ông Phan Văn Anh Vũ chuyển nhượng cho ông Phạm Đăng Quan với giá chuyển nhượng hơn 581 tỉ đồng, hưởng chênh lệch hơn 495 tỉ đồng. Năm 2009, ông Phạm Đăng Quan lại tiếp tục chuyển nhượng cho Công ty CP đầu tư địa ốc ô tô Phương Trang với giá là 585 tỉ đồng.

Người dân tập trung xem công an khám nhà ông Vũ 'nhôm' chiều tối 21/12. Ảnh: Nguyễn Thành

Tại khu đất đầu tuyến Sơn Trà - Điện Ngọc, năm 2007 TP Đà Nẵng chuyển nhượng cho Công ty CP xây dựng thương mại Phú Mỹ để xây dựng chung cư, căn hộ cao cấp, văn phòng cho thuê và khách sạn du lịch nhưng không xác định theo giá đất ở mà giữ nguyên giá theo giá đất sản xuất kinh doanh, gây thất thu cho ngân sách.

Đến năm 2010, doanh nghiệp trên chuyển nhượng cho Công ty CP bất động sản Phương Trang với số tiền 285 tỉ đồng, chênh lệch so với giá năm 2007 hơn 220 tỉ đồng. Điều đáng nói, tại khu đất 29 ha thuộc dự án sân golf Đa Phước giao cho Công ty CP 79 thấp hơn giá TP Đà Nẵng quy định, làm lợi cho doanh nghiệp này hơn 570 tỉ đồng...

Liên quan đến các dự án bất động sản, mới đây, Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an đã có Văn bản 817/ANĐT (P4) gửi Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng đề nghị phối hợp điều tra, xác minh làm rõ sai phạm trong việc thực hiện 9 dự án và mua, chuyển nhượng 31 nhà đất công sản thuộc sở hữu nhà nước tại TP Đà Nẵng.

Theo đó, Bộ Công an đề nghị cung cấp toàn bộ hồ sơ gồm: Dự án Công viên An Đồn (năm 2010); Dự án Khu đô thị Harbour Ville của Công ty Đầu tư Mega (năm 2008); Khu đất tại đường 2/9 Phan Thành Tài đường quy hoạch (năm 2012); Dự án Phú Gia Compoud (phường Tam Thuận, quận Thanh Khê, năm 2007); Khu dịch vụ du lịch nhà hàng Cafe-Bar và bến du thuyền khu vực trước Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại TP Đà Nẵng phía tây Cầu Rồng (năm 2015); Dự án Khu đô thị quốc tế Đa Phước (giai đoạn 1: 181ha năm 2008); Lô 12 Khu B4.1, Khu dân cư An Cư mở rộng (phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà, năm 2009); Khu đô thị sinh thái Phú Gia ven sông (phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, năm 2010); Khu Du lịch ven biển đường Trường Sa của Công ty IVC (4,5ha, phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, năm 2007).

Theo tìm hiểu của phóng viên, từ năm 2004 đến quý 3 năm 2016, TP Đà Nẵng đã thực hiện việc bán hơn 300 nhà công sản. Trong danh sách các nhà công sản đã bán qua các năm đáng chú ý có nhiều đơn vị đã được thành phố bán cho nhiều lô ở vị trí đắc địa. Trong số đó, phải kể đến như: Cty CP XD Bắc Nam 79, Cty CP 79, Cty TNHH Minh Hưng Phát, Cty CP công nghệ phẩm Đà Nẵng… Nhiều địa chỉ lô đất, các đơn vị này được giảm 10% tiền sử dụng đất không đúng quy định với số tiền rất lớn. Đây là những sai phạm đã được TTCP nêu rõ.

Xem chi tiết:
http://vietnammoi.vn/ong-vu-nhom-lam-giau-nhu-the-nao-68737.html

Nhận xét